Thừa kế là gì?

Khi nghiên cứu về pháp luật thừa kế phải xem xét mối liên hệ giữa thừa kế với quyền thừa kế. Vậy thừa kế là gì? Quyền thừa kế được hiểu như thế nào? Khách hàng đang quan tâm đến nội dung trên vui lòng theo dõi nội dung bài viết dưới đây.

Thừa kế là gì?

Con người, cũng như bất kỳ một chủ thể nào khác, muốn tồn tại và phát triển đều phải dựa trên những cơ sở vật chất nhất định. Của cải do con người tạo ra một cách hợp pháp sẽ thuộc sở hữu của: họ, họ có các quyền năng chiếm hữu, sử dụng chúng để thỏa mãn các nhu cầu cho mình trong sản xuất, tiêu dùng và có quyền định đoạt chúng khi cần thiết.

Khi họ chết, những tài sản thuộc sở hữu còn lại của họ sẽ được dịch chuyển cho người khác. Quá trình dịch chuyển tài sản này được gọi là thừa kế. Nói một cách cụ thể hơn  thì, thừa kế là quá trình dịch chuyển tài sản từ người đã chết cho những người còn sống khác.

Như vậy, thừa kế là một hiện tượng xã hội xuất hiện và tồn tại trong mọi chế độ xã hội. Nơi nào có sở hữu, nơi đó có thừa kế. Nếu sở hữu là sự phản ánh tài sản nào trong xã hội thuộc về ai thì thừa kế là sự phản ánh tài sản của ai đó sẽ dịch chuyển cho ai khi họ chết. Vì thế, thừa kế là sự tiếp nối sở hữu, là hệ luận của sở hữu. 

Thừa kế và sở hữu luôn tồn tại song song và gắn bó chặt chẽ với nhau trong mọi hình thái kinh tế xã hội. Trong đó, nếu sở hữu là cơ sở làm xuất hiện vấn đề thừa kế thì đến lượt mình, thừa kế lại là phương tiện để duy trì và củng cố vấn đề sở hữu. 

Trong xã hội chưa có nhà nước và pháp luật thì thừa kế chỉ đơn thuần là một hiện tượng xã hội. Sự dịch chuyển tài sản từ người chết cho người khác được thực hiện theo phong tục, tập quán của thời kỳ đó. Vì vậy, có thể nói rằng, trong thời kỳ này chưa có khái niệm về quyền thừa kế. 

Tuy nhiên đến thời điểm như hiện nay, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản hơn Thừa kế là việc thực thi chuyển giao tài sản, lợi ích, nợ nần, các quyền, nghĩa vụ từ một người đã chết sang một người còn sống nào đó (cá nhân hoặc tổ chức)

Quyền thừa kế là gì?

Là một phạm trù pháp luật, quyền thừa kế chỉ xuất hiện và tồn tại trong xã hội đã có nhà nước và pháp luật. Nhà nước quản lý xã hội thông qua cơ chế điều chỉnh các quan hệ, hiện tượng phát sinh trong xã hội bằng pháp luật chính là việc nhà nước ban hành ra luật và dùng luật tác động đến các quan hệ, hiện tượng xã hội.

Hiện tượng thừa kế cũng không nằm ngoài cơ chế điều chỉnh này. Vì vậy, về phương diện khách quan (hay nghĩa rộng) thì quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh quá trình dịch chuyển tài sản từ người đã chết cho các chủ thể khác. Ở phương diện này thì quyền thừa kế còn được gọi là pháp luật thừa kế. 

Pháp luật thừa kế ở Việt Nam qua các thời kỳ đều dựa trên cơ sở kinh tế, chế độ sở hữu, chính trị, phong tục truyền thống của con người Việt Nam để điều chỉnh sự dịch chuyển di sản. Vì vậy, thừa kế ở mỗi một thời kỳ đều mang nét đặc trưng riêng. 

– Pháp luật hiện hành về thừa kế ở Việt Nam được thể hiện rõ nhất trong Phần thứ tư của Bộ luật Dân sự . Cụ thể:

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. 

Pháp luật nước ta tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản của họ. Vì vậy, khi còn sống, họ có quyền định đoạt tài sản của mình cho ai thông qua các hợp đồng dân sự như bán, tặng cho. Trước khi chết, họ có quyền định đoạt việc dịch chuyển tài sản đó cho ai sau khi họ chết. Nếu việc định đoạt này được thực hiện bằng ý chí của họ thể hiện trong di chúc đã lập thì được gọi là quyền để lại thừa kế theo di chúc.

Trong trường hợp người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập nhưng di chúc không có hiệu lực pháp luật thì di sản của họ được dịch chuyển cho người khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này được gọi là quyền để lại thừa kế theo pháp luật của cá nhân. Người được thừa kế trong trường hợp này phải là người có quan hệ hôn nhân, gia đình hoặc quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng và phải ở nhóm thân thích nhất đối với người chết. Sự quy định này chính là việc pháp luật phỏng đoán mong muốn của người chết trong việc dịch chuyển tài sản mà họ để lại cho những ai. 

Bên cạnh quyền để lại di sản thừa kế, cá nhân còn có quyền hưởng di sản. Nếu việc hưởng di sản của một người được xác định theo ý chí của người để lại di sản thể hiện trong di chúc của họ thì được gọi là quyền hưởng di sản theo di chúc. Nếu việc hưởng di sản của một người được xác định theo quy định của pháp luật thì được gọi là quyền hưởng di sản theo pháp luật. 

Việc để lại thừa kế, việc nhận di sản thừa kế là hai phạm trù khác nhau, là hai mặt đối lập nhưng lại cùng thống nhất với nhau, là hai yếu tố cấu thành nên khái niệm quyền thừa kế. Hai yếu tố này liên hệ mật thiết với nhau để qua đó phản ánh quá trình dịch chuyển tài sản của người đã chết sang những người còn sống khác. 

Như vậy, theo quy định của BLDS thì chúng ta có thể hiểu Quyền thừa kế là Quyền để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

 Theo đó quyền thừa kế của cá nhân bao gồm: 

– Quyền để lại di sản theo di chúc;

– Quyền để lại di sản theo pháp luật;

– Quyền nhận di sản theo di chúc;

– Quyền nhận di sản theo pháp luật. 

Mặc dù BLDS chỉ quy định về quyền thừa kế của cá nhân nhưng nếu quyền để lại thừa kế theo di chúc là quyền của cá nhân trong việc định đoạt tài sản của mình cho bất kỳ chủ thể nào sau khi chết thì quyền thừa kế còn được hiểu là quyền của các chủ thể khác như: tổ chức, pháp nhân, nhà nước trong việc nhận di sản theo di chúc. Tuy nhiên, nếu cá nhân có cả hai quyền là: để lại di sản và hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật thì các chủ thể khác chỉ có quyền hưởng di sản theo di chúc. 

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về giải đáp các vấn đề liên quan đến Thừa kế là gì? Khách hàng theo dõi nội dung bài viết có vướng mắc gì vui lòng liên hệ Luật Hoàng Phi để được hỗ trợ sớm nhất.

The post Thừa kế là gì? appeared first on Luật Hoàng Phi.



source https://luathoangphi.vn/thua-ke-la-gi/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Số 1 có phải là số nguyên tố không?

Số hữu tỉ là gì? Số vô tỉ là gì?

Số thực là gì? Số thực là những số nào?