Giám định, Trưng cầu giám định sở hữu trí tuệ

Nội dung giám định sở hữu trí tuệ 

Quyền nhân thân, quyền tài sản của quyền sở hữu trí tuệ có nhiều nội dung phức tạp, trừu tượng. Những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Bản thân các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng như các cơ quan nhà nước rất khó khăn trong việc xác định đúng hành vi xâm phạm, tính chất và mức độ xâm phạm, đặc biệt là xác định thiệt hại. Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cũng như thực hiện những dịch vụ để góp phần giải quyết những khó khăn trong việc xử lý những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nội dung của giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm: xác định phạm vị bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ và xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.

Giám định sở hữu trí tuệ bao gồm 3 lĩnh vực: giám định về quyền tác giả và quyền liên quan; giám định về quyền sở hữu công nghiệp và giám định về quyền đối với giống cây trồng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám định sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền.

Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ 

Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ có thể được thành lập với các loại hình tổ chức nhất định. Đó là, doanh nghiệp được thành lập và hoạt

động theo pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp; các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sự Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

Để được thành lập và thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ, theo Luật Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật;

– Có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;

– Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.

– Ngoài ra, tổ chức giám định còn phải có:

(i) Có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ;

(ii) Có trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc

(iii) Có nguồn cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định.

Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện hoạt động giám định trong lĩnh vực đã đăng ký hoạt động.

Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ có các quyền: thuê giám định viên sở hữu trí tuệ thực hiện giám định theo các vụ việc; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, các quyền khác theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ có các nghĩa vụ: hoạt động theo đúng lĩnh vực giám định ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, bảo quản, lưu trữ các tài liệu, hồ sơ liên quan đến vụ việc giám định; giữ bí mật các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu hoặc trưng cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Giám định viên sở hữu trí tuệ là người có đủ trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến nội dung cần giám định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ. Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ:

– Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ – Thường trú tại Việt Nam – Có phẩm chất đạo đức tốt

– Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định. 5.1.4.3. Trưng cầu giám định và yêu cầu giám định

Hoạt động giám định sở hữu trí tuệ được thực hiện theo trưng cầu giám định của các cơ quan có thẩm quyền hoặc yêu cầu giám định của các cá nhân, tổ chức. Cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định sở hữu trí tuệ gồm các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, xử lý xâm phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ, bao gồm các cơ quan tòa án, thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, công an, ủy ban nhân dân các cấp. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định sở hữu trí tuệ bao gồm chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức, cá nhân bị yêu cầu xử lý về hành vi xâm phạm hoặc bị khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ; tổ chức, cá nhân khác có quyền, lợi ích liên quan đến vụ tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ.

Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác yêu cầu tổ chức giám định sở hữu trí tuệ, người giám định sở hữu trí tuệ thực hiện giám định. Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, người đại diện sở hữu công nghiệp có thể nhận ủy quyền của tổ chức, cá nhân để yêu cầu tổ chức giám định sở hữu trí tuệ.

Trưng cầu giám định sở hữu trí tuệ

Việc trưng cầu giám định phải lập thành văn bản. Yêu cầu giám định phải lập thành hợp đồng dịch vụ giám định giữa người yêu cầu giám định với tổ chức giám định hoặc với giám định viên. Trong trường hợp việc trưng cầu, yêu cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định thì việc giao, nhận, trả lại đối tượng giám định phải lập thành biên bản. Tổ chức giám định, giám định viên có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định (các hiện vật cụ thể là yếu tố xâm phạm và đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ) hoặc yêu cầu người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định.

Việc lấy mẫu giám định phải lập biên bản với sự chứng kiến và có chữ ký xác nhận của các bên liên quan. Các văn bản trưng cầu giám định, hợp đồng dịch vụ giám định, biên bản giao, nhận, trả lại đối tượng giám định và biên bản giao, nhận, trả lại mẫu giám định phải có những nội dung chủ yếu quy định của pháp luật.

Phí giám định sở hữu trí tuệ theo trưng cầu áp dụng theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Phí giám định sở hữu trí tuệ theo yêu cầu dịch vụ do các bên thỏa thuận.

Thực hiện giám định sở hữu trí tuệ 

Việc giám định sở hữu trí tuệ có thể do một hoặc một số giám định viên sở hữu trí tuệ thực hiện.

Giám định cá nhân là giám định do một giám định viên thực hiện. Giám định viên thực hiện toàn bộ việc giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình.

Giám định tập thể là giám định do hai giám định viên trở lên thực hiện. Trong trường hợp giám định tập thể về vấn đề thuộc cùng lĩnh vực chuyên môn thì các giám định viên cùng thực hiện việc giám định, ký tên vào văn bản kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định; nếu có ý kiến khác nhau thì mỗi giám định viên ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào văn bản kết luận giám định chung và chịu trách nhiệm về ý kiến đó. Trong trường hợp giám định tập thể về vấn đề thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi giám định viên thực hiện phần việc của mình và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình.

– Kết quả của việc giám định là văn bản kết luận giám định, Văn bản kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Văn bản kết luận giám định phải có các nội dung chủ yếu theo pháp luật quy định và không đưa ra kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp. Văn bản kết luận giám định phải có chữ ký của giám định viên thực hiện giám định. Trong trường hợp tổ chức giám định thì đồng thời phải có chữ ký của giám định viên thực hiện giám định và người đứng đầu tổ chức giám định và đóng dấu của tổ chức đó.

Pháp luật cũng quy định những trường hợp giám định bổ sung và giám định lại. Giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng về các nội dung cần giám định hoặc có phát sinh tình tiết mới cần làm rõ. Yêu cầu giám định bổ sung và việc thực hiện giám định bổ sung phải tuân theo các quy định đối với giám định lần đầu. Giám định lại được thực hiện trong trường hợp người trưng cầu, yêu cầu giám định không đồng ý với kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại có thể do tổ chức giám định, giám định viên đã giám định trước đó hoặc do tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện theo yêu cầu của người trưng cầu, yêu cầu giám định. Người trung câu, yêu cầu giám định có thể tiếp tục trưng cầu, yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện việc giám định lại khi có sự khác nhau giữa các kết luận giám định hoặc giữa kết luận giám định với ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ về cùng một vấn đề cần giám định.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan trưng cầu giám định có thể thành lập Hội đồng tư vấn để lấy ý kiến chuyên môn về vấn đề cần giám định, gồm các chuyên gia, đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Như vậy, giám định sở hữu trí tuệ bao gồm quy trình có nhiều bước, cần phải thực hiện trong một thời gian nhiều ngày. Phí giám định Sở hữu trí tuệ là một khoản chi đáng kể. Trong thực tiễn của Việt Nam nhiều năm qua, giám định sở hữu trí tuệ thường chỉ được sử dụng khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như tòa án, hải quan trưng cầu giám định nhằm xử lý những vụ việc lớn. Những vụ việc nhỏ, lẻ do cơ quan nhà nước cấp sở trong các ủy ban nhân dân có thẩm quyền xử lý tranh chấp và vi phạm không dùng, thậm chí không biết có quy định sử dụng biện pháp này. Rất ít trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định sở hữu trí tuệ, kể cả khi có tranh chấp trong lĩnh vực này.

Từ những quy định pháp luật về xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xác định thiệt hại và nhất là xác định giá trị hàng hóa xâm phạm, việc yêu cầu, trưng cầu giám định cho thấy, để có thể xử lý được một vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì các chủ thể quyền cũng như cơ quan nhà nước phải bỏ ra nhiều thời gian, tiền của và phải thực hiện những thủ tục phức tạp, khó khăn. Trong khi đó, vì mối lợi lớn, bền vi phạm sử dụng nhiều thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn để thực hiện hành vi vi phạm. Cuối cùng, phần lớn những vụ việc vi phạm dù tốn kém rất nhiều công sức, tiền của để phát hiện và hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật nhưng cũng chỉ bị xử lý bằng các biện pháp hành chính với mức phạt tiền ít hơn nhiều lần so với khoản lợi bất chính thu được từ những hành vi xâm phạm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các chủ thể quyền không tích cực và kiên quyết tiến hành việc xử lý những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

>>>>> Tham khảo thêm: Đăng ký sở hữu trí tuệ

The post Giám định, Trưng cầu giám định sở hữu trí tuệ appeared first on Luật Hoàng Phi.



source https://luathoangphi.vn/giam-dinh-trung-cau-giam-dinh-so-huu-tri-tue/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Số 1 có phải là số nguyên tố không?

Số hữu tỉ là gì? Số vô tỉ là gì?

Số thực là gì? Số thực là những số nào?