Hình thức cấu trúc nhà nước
Mỗi quốc gia sẽ theo một hình thức cấu trúc nhà nước nhất định, phù hợp với từng đặc điểm, sự phát triển của đất nước, chế độ chính trị và các yếu tố khác của từng quốc gia. Hình thức cấu trúc nhà nước là một trong ba yếu tố cấu thành hình thức nhà nước. Để tìm hiểu rõ hơn về hình thức cấu trúc nhà nước hãy cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu khái quát hình thức nhà nước
Nhà nước là một tổ chức quyền lực chính trị của xã hội có giai cấp, có lãnh thổ, có dân cư và có chính quyền độc lập, có khả năng đặt ra và thực thi pháp luật nhằm mục đích là thiết lập trật tự xã hội trong phạm vi lãnh thổ của mình.
Hình thức nhà nước là cách tổ chức quyền lực nhà nước và những phương pháp để thực hiện quyền lực nhà nước. Hình thức nhà nước là một khái niệm chung được hình thành từ ba yếu tố cụ thể: Hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước và chế độ chính trị.Trong đó:
+Hình thức chính thểlà cách tổ chức và trình tự để lập ra các cơ quan tối cao của nhà nước và xác lập những mối quan hệ cơ bản của các cơ quan đó. Hình thức chính thể có hai dạng cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa.
+ Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, thủ đoạn mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước.
Vậy hình thức cấu trúc nhà nước là gì? nội dung này sẽ được trình bày cụ thể hơn trong phần tiếp theo.
Hình thức cấu trúc nhà nước
Hình thức cấu trúc nhà nước là Cách thức tổ chức và phân bố quyền lực nhà nước theo lãnh thổ, mối quan hệ giữa các chủ thể của lãnh thổ đó của quyền lực nhà nước.
Hình thức cấu trúc là một trong ba yếu tố cầu thành hình thức nhà nước: hình thức cấu trúc, hình thức chính thể, chế độ chính trị.
Có hai hình thức cấu trúc nhà nước cơ bản là: cấu trúc nhà nước đơn nhất và cấu trúc nhà nước liên bang. Ngoài ra còn có cấu trúc Nhà nước Liên minh (Confederal State)
Thứ nhất: Cấu trúc nhà nước đơn nhất (Unitary State)
Hình thức cấu trúc nhà nước đơn nhất là hình thức trong đó lãnh thổ của nhà nước là có chủ quyền chung, có hệ thống cơ quan quyền lực và quản lí thống nhất từ trung ương đến địa phương và có các đơn vị hành chính bao gồm tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường).
Các bộ phận hợp thành nhà nước bao gồm:
(1) Các đơn vị hành chính – lãnh thổ không có chủ quyền riêng, độc lập;
(2) Có một Hệ thống các cơ quan nhà nước (cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính, cơ quan cưỡng chế) thống nhất từ trung ương đến địa phương;
(3) Có 1 hệ thống pháp luật thống nhất trên toàn lãnh thổ.
(4) Công dân có 1 quốc tịch (Ví dụ: Việt Nam, Ba Lan, Pháp, Nhật…)
Các nhà nước đơn nhất tiêu biểu: Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Hàn quốc, Nhật bản, Thái Lan, Pháp, Anh, Brunei Darussalam, Cu ba, Lào…
Thứ hai: Cấu trúc nhà nước liên bang (Federal State)
Hình thức cấu trúc nhà nước liên bang là những nhà nước có từ hai hay nhiều nước thành viên hợp lại. Nhà nước liên bang có hai hệ thống cơ quan quyền lực và quản lý; một hệ thống chung cho toàn liên bang và một hệ thống trong mỗi nước thành viên; có chủ quyền quốc gia chung của nhà nước liên bang và đồng thời mỗi thành viên cũng có chủ quyền riêng.
Có thể nhận biết nhà nước liên bang qua các đặc trưng:
+ Chỉ có nhà nước liên bang mới có chủ quyền hoàn toàn, mới được đại diện cho toàn quốc gia, dân tộc để thực hiện chủ quyền quốc gia và mới là chủ thể độc lập của luật quốc tế. Các nhà nước thành viên phải phụ thuộc vào nhà nước liên bang;
+ Trong nhà nước liên bang có nhiều hệ thống cơ quan nhà nước, trong đó một hệ thống là chung cho toàn liên bang, có thẩm quyền tối cao trên toàn lãnh thổ, mỗi bang thành viên lại có một hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi bang đó;
+ Liên bang cũng có nhiều hệ thống pháp luật, nhiều bản hiến pháp, trong đó một hệ thống là chung cho toàn liên bang, có hiệu lực pháp lý cao nhất và trên phạm vi toàn lãnh thổ liên bang, mỗi bang thành viên lại có một hệ thống pháp luật, một bản hiến pháp riêng và chỉ có hiệu lực pháp lý trong phạm vi bang đó;
+ Sự phân chia quyền lực giữa nhà nước liên bang với các nhà nước thành viên được thể hiện rõ trong cả ba lĩnh vực: Lập pháp, hành pháp và tư pháp
Các nhà nước liên bang tiêu biểu: Cộng hòa Ấn Độ, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Liên bang Xô Viết, Liên bang Malaixia, Liên bang Nam Tư, Mexico, Đức…
Thứ ba: Cấu trúc nhà nước Liên minh (Confederal State)
Nhà nước liên minh là một nhóm các các quốc gia độc lập liên kết với nhau để thực hiện những mục đích chung nhất định như chính trị, quân sự hoặc kinh tế bằng một hiệp ước do các thành viên liên minh thỏa thuận.
Hiện nay Liên minh châu Âu (EU) là một hình thức điển hình của nhà nước liên minh. Liên minh châu Âu có nghị viện, có toà án, có đơn vị tiền tệ chung, tuy nhiên các thành viên trong liên minh vẫn là những quốc gia có chủ quyền độc lập.
Nhà nước Liên minh có các đặc điểm như:
+ Nhà nước liên minh do nhiều nhà nước hợp thành, có thể có 1 bộ máy nhà nước và 1 hệ thống pháp luật chung cho toàn liên minh, còn mỗi nhà nước thành viên lại có bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật riêng.
+ Tính độc lập của các nhà nước thành viên cao hơn so với trong nhà nước liên bang vì mỗi nhà nước thành viên vẫn là chủ thể độc lập của luật quốc tế.
Hình thức cấu trúc nhà nước Việt Nam
Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Nhà nước đơn nhất, có độc lập, chủ quyền, có một hệ thống pháp luật thống nhất, có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc.
Nhà nước Việt Nam có lãnh thổ thống nhất, không phân chia thành các tiểu bang hoặc cộng hòa tự trị mà chia thành các đơn vị hành chính trực thuộc. Tương ứng mỗi đơn vị hành chính là cơ quan hành chính Nhà nước. Các đơn vị hành chính không có chủ quyền quốc gia và đặc điểm như Nhà nước.
Nhà nước Việt Nam là tổ chức duy nhất trong hệ thống chính trị có chủ quyền quốc gia,là chủ thể quan hệ quốc tế toàn quyền đối nội, đối ngoại, quyết định mọi vấn đề của đất nước.
Một hệ thống pháp luật thống nhất với một Hiến pháp, hiệu lực Hiến pháp và pháp luật trải rộng trên phạm vi toàn quốc. Các cơ quan Nhà nước trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở cụ thể hóa Hiến pháp, pháp luật, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.
Nhà nước Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán của dân tộc.
Như vậy, cấu trúc nước ta là một thể thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cùng chung một thể chế chính trị và đặc biệt là dưới sự quản lý của một một Đảng duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam. Tất cả những hoạt động trong bất kỳ một lĩnh vực nào cũng chịu sự điều chỉnh và giám sát của pháp luật, đảm bảo công bằng, văn minh và vì lợi ích chung của cả cộng đồng dân cư chứ không riêng bất kỳ một tổ chức hay một cá nhân nào.
Trên đây là các nội dung liên quan đến Hình thức cấu trúc nhà nước. Hy vọng các thông tin này hữu ích và giúp bạn giải đáp thắc mắc.
The post Hình thức cấu trúc nhà nước appeared first on Luật Hoàng Phi.
source https://luathoangphi.vn/hinh-thuc-cau-truc-nha-nuoc/
Nhận xét
Đăng nhận xét