Mẫu bản tự phê bình và phê bình cá nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Để bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”, giữ vững vai trò lãnh đạo với sự nghiệp cách mạng, Người nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải luôn đề cao “tự phê bình và phê bình”.

Có thể thấy tự phê bình và phê bình có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết với mỗi cán bộ, Đảng viên. Mẫu bản tự phê bình và phê bình cá nhân là mẫu quan trọng và được nhiều bạn đọc tìm kiếm.

Vậy cụ thể nội dung mẫu bản tự phê bình và phê bình cá nhân ra sao mời bạn đọc theo dõi nội dung bài viết sau đây để có câu trả lời.

Tự phê bình và phê bình cá nhân là gì?

Tự phê bình và phê bình cá nhân đối với Đảng viên đã không quá xa lạ, tuy nhiên để hiểu rõ về hai khái niệm này thì nhiều bạn đọc vẫn có sự nhầm lẫn và chưa nắm được.

Phê bình là việc đưa ra, nêu lên những khuyết điểm, những hạn chế thiếu sót và những việc chưa được tốt của mỗi người trước tổ chức, cơ quan, Đảng nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm.

Tự phê bình là bản thân tự mình soi rọi mình, tự nghiêm khắc, thật thà nhìn nhận bản thân và công khai nhận những điểm chưa tốt, chưa phù hợp trước mặt mọi người khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau là phương pháp giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên.

Ý nghĩa của Tự phê bình và phê bình cá nhân

Từ xưa đến nay việc tự phê bình và phê bình có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức cơ quan và bản thân cá nhân. Việc tự phê bình và phê bình cá nhân nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ hơn, nhìn nhận ra những sai xót, yếu kém và chưa hoàn thiện của bản thân để hoàn thiện và khắc phục những sai xót yếu kém đó. Phê bình và tự phê bình giúp kỷ luật cao hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm hơn, làm cho mỗi tổ chức mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn.

Tự phê bình và phê bình cần được thực hiện nghiêm túc, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt. Nhìn nhận vào thực tế, vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Quá trình tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không áp đặt, soi mói.

Bên cạnh đó giúp người được phê bình có thái độ đúng đắn để tiếp thu các ý kiến phê bình, định hướng đúng đắn cách sửa chữa khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp.

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là vũ khí sắc bén để chống tả khuynh và hữu khuynh; uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ; tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí; nói thẳng, nói thật; nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm… nhằm mục đích để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất từ trong tư duy, nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng.

Mẫu bản tự phê bình và phê bình cá nhân

Sau đây là Mẫu bản tự phê bình và phê bình cá nhân mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc tham khảo theo nội dung của nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng đảng. Cụ thể bản tự phê bình và phê bình cá nhân như sau:

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

……, ngày….tháng….năm….

BẢN KIỂM ĐIỂM

TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

(Theo nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng đảng)

 

Họ và tên:……………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh:……………………………………………………………………………..

Chức vụ, đơn vị công tác:……………………………………………………………………….

– Căn cứ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị và tài liệu của Bộ Chính trị, Kế hoạch số …-KH/TU ngày …… của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

– Thực hiện Kế hoạch số 19- KH/HU ngày ………. của Ban Thường vụ Huyện uỷ về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Tôi xin tự kiểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) với các nội dung cụ thể như sau:

1- Kiểm điểm tự phê bình và phê bình về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

a. Trách nhiệm đề xuất, kiến nghị với Ban Thường vụ Huyện uỷ và tham gia cùng tập thể Ban Thường vụ Huyện uỷ đấu tranh bảo vệ nền tảng, tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, giữ gìn sự thống nhất ý chí hành động và sự đoàn kết trong Đảng.

Trách nhiệm lãnh đạo việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chỉ đạo công tác xây dựng và bảo vệ Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện Luật cán bộ, công chức và Quy định về những điều Đảng viên không được làm ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách. Trách nhiệm tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và thực hành tiết kiệm ở đơn vị, địa bàn được phân công phụ trách. Trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, lĩnh vực do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác. Trách nhiệm đối với những sai phạm khác của tổ chức và cán bộ dưới quyền quản lý trực tiếp.

b. Bản thân kiểm điểm tự phê bình và phê bình:

+ Việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; thái độ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, giữ gìn sự thống nhất ý trí, hành động và sự đoàn kết trong Đảng. Có dung túng, bỏ qua hoặc phụ họa với những hiện tượng nói trái, làm trái đường lối, quan điểm của Đảng không? Có ý thức chủ động nghiên cứu, tìm tòi qua thực tiễn cuộc sống để tham gia đóng góp vào quá trình bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng không?

+ Có nói trái, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng, làm những việc mà pháp luật không cho phép hoặc làm những việc tuy pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, uy tín của nguời cán bộ, đảng viên không?

+ Việc giữ gìn đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí, công, vô tư. Có nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không? Có thật sự đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của đất nước lên trên hết, trước hết không? Có hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung không? Có tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm không? Có khách quan, trung thực khi phát biểu ý kiến đóng góp vào sự lãnh đạo của tập thể và góp ý phê bình cho đồng chí mình không? Có đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý không? Có biết mà không báo cáo, phản ánh, xử lý các hành vi tham nhũng; không thực hiện các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng? Có nể nang, dung túng, không đấu tranh với những sai trái của cán bộ cùng cấp và dưới quyền?

+ Có lợi dụng quyền hạn để ban hành hoặc tác động ban hành cơ chế, chính sách làm lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích? Có tham ô, lãng phí, tiếp tay, bao che cho tham nhũng, lãng phí; có làm trái quy định trong quản lý đất đai, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án…? Có để các doanh nghiệp “tác động”, chi phối đến các quyết định không?

+ Có chạy hoặc chấp nhận chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương, khen thưởng… như Văn kiện Đại hội XI đã nêu không? Có can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định. Có lợi dụng chức vụ được giao để chiếm dụng, vay, mượn tiền, tài sản của đối tượng trực tiếp quản lý trái quy định? Có ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác?

+ Có tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi hoặc đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền? Có kê khai trung thực tài sản, thu nhập không? Có mở tài khoản cá nhân ở nước ngoài, tham gia hoạt động rửa tiền không?

+ Có lối sống lối sống gương mẫu, trong sạch, lành mạnh hay xa hoa, lãng phí? Có mê tín dị đoan, đốt đồ mã không? Có tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật; kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới xa hoa, lãng phí nhằm trục lợi? Có rượu chè bê tha, quan hệ nam nữ bất chính không?

+ Đi công tác cơ sở có đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả hay phô trương, hình thức? Có nặng về biểu dương mà ít chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém của lãnh đạo địa phương? Có vuốt ve mỵ dân, theo đuôi quần chúng không? Có thật thà, khiêm tốn, học tập, lắng nghe dân, nghe cấp dưới không?

2- Kiểm điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

a. Kiểm điểm trách nhiệm trực tiếp phụ trách và trách nhiệm tham gia chỉ đạo, quyết định công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ kế cận, chủ chốt, nhất là cán bộ thay thế chức vụ mình đang đảm nhiệm; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá cán bộ thuộc phòng, ban, ngành hoặc địa phương được phân công phụ trách.

b. Bản thân kiểm điểm tự phê bình và phê bình:

+ Có thật sự công tâm, khách quan, trong sáng trong công tác cán bộ không? Có thực hiện đúng các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ không?

+ Có độc đoán, mất dân chủ, cục bộ (cơ quan, địa phương, đơn vị), có bị chi phối bởi lợi ích nhóm, “hậu duệ”, “tiền tệ”, “quan hệ” trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng và đề nghị bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ không? Có tìm cách tác động để bố trí công việc cho vợ, con, người thân của mình không?

+ Có chịu tác động tiêu cực hoặc tìm cách tác động trong bổ nhiệm, điều động, bố trí phong và thăng quân hàm, khen thưởng cán bộ, nhất là đối với những người thân quen, con cháu họ hàng không?

+ Có sẵn sàng chấp nhận sự phân công, điều động của Tỉnh uỷ, của Ban Thường vụ Huyện uỷ không?

+ Có kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong công tác cán bộ không? Có nể nang không? Có thành kiến, trù dập những người nói và làm trái ý mình, gây mất đoàn kết nội bộ không?

3- Kiểm điểm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

a. Kiểm điểm trách nhiệm quán triệt, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt lãnh đạo cơ quan thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, dẫn đến tình trạng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, khi có sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm; tạo kẽ hở cho ách tắc, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.

b. Bản thân kiểm điểm tự phê bình và phê bình:

– Có chấp hành đúng các nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách không? Ý thức tổ chức kỷ luật thế nào? Có mất dân chủ gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền không?

– Có lợi dụng danh nghĩa tập thể để áp đặt ý đồ cá nhân không? Có biểu hiện thành tích thì nhận, khuyết điểm lại đổ cho tập thể không?

– Làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao?

– Có giữ đúng kỷ luật phát ngôn, có làm lộ lọt thông tin bí mật trong sinh hoạt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện uỷ không? Có trung thực báo cáo với Đảng về những khuyết điểm, yếu kém của ngành, lĩnh vực, địa phương mình trực tiếp phụ trách không?

4- Ý  kiến của bản thân về những góp ý của các tổ chức và cá nhân, cần làm rõ những góp ý nào là đúng cần phải tiếp thu và đã tiếp thu, kiểm điểm như thể nào? Những góp ý nào chưa đúng cần được trình bày, thông tin lại? Những vấn đề cần lưu ý để sửa chữa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Những khuyết điểm, hạn chế gì đã chủ động khắc phục, sửa chữa từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI?

– Kế hoạch, biện pháp khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm, hạn chế sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này.

– Có đề xuất, kiến nghị gì góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương, thực hiện tự phê bình và phê bình lần này thu được kết quả?

Trên đây là bản tự kiểm điểm của tôi theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), kính mong các đồng chí tham gia đóng góp ý kiến.

Người viết bản kiểm điểm

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

 

 

Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về vấn đề Mẫu bản tự phê bình và phê bình cá nhân đến bạn đọc. Mong rằng những thông tin sẽ giúp ích cho độc giả quan tâm tìm hiểu.

The post Mẫu bản tự phê bình và phê bình cá nhân appeared first on Luật Hoàng Phi.



source https://luathoangphi.vn/mau-ban-tu-phe-binh-va-phe-binh-ca-nhan/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Số 1 có phải là số nguyên tố không?

Số thực là gì? Số thực là những số nào?

Số hữu tỉ là gì? Số vô tỉ là gì?