Tác phẩm phái sinh là gì?
Sáng tạo là hoạt động của con người khi tìm thấy và làm nên giá trị vật chất và giá trị tinh thần mới mẻ mà trước đó chưa có. Trong cuộc sống sự sáng tạo của con người là vô cùng lớn, sự sáng tạo này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và giúp cho cuộc sống, công việc trở nên mới mẻ và hiệu quả hơn. Tác phẩm phái sinh cũng là một trong những hình thức của sự sáng tạo. Vậy tác phẩm phái sinh là gì? Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người đặt ra, nếu Quý khách hàng đang tìm hiểu vấn đề này thì đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây của Luật Hoàng Phi.
Tác phẩm phái sinh là gì?
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn theo Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009.
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định.
Mặc dù tác phẩm phái sinh không phải là một sản phẩm hoàn toàn mới nhưng việc tạo ra tác phẩm này cũng đòi hỏi sự sáng tạo nhất định của chủ thể thực hiện nó vì vậy chủ thể thực hiện tác phẩm phái sinh vẫn được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nếu nó không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Khi được xem hoặc thưởng thức những tác phẩm phái sinh, khán giả thường sẽ liên tưởng đến những tác phẩm gốc bởi các tác phẩm phái sinh sẽ dựa trên những yếu tố nền tảng từ trước đó như về nội dung, giai điệu,… của tác phẩm gốc.
Phần tiếp theo của bài viết tác phẩm phái sinh là gì? sẽ đề cập tới những dặc điểm của một tác phẩm phái sinh.
Đặc điểm của tác phẩm phái sinh
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì tác phẩm phái sinh có những đặc điểm như sau:
– Tác phẩm phái sinh chỉ được hình thành dựa trên cơ sở sự thừa kế từ các tác phẩm đã tồn tại trước đó. Tác phẩm đã tồn tại hay còn gọi là tác phẩm gốc có thể còn thời hạn hoặc đã hết thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản. Quyền cho làm tác phẩm phái sinh được Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 20. Tùy vào những trường hợp khác nhau mà tác giả của tác phẩm phái sinh có thể xin phép hoặc không cần xin phép chủ sở hữu tác phẩm gốc. Tuy nhiên, dù thế nào thì người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh cũng bắt buộc phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả tác phẩm gốc.
– Tác phẩm phái sinh phải có dấu ấn của tác phẩm gốc. Tác phẩm phái sinh phải đảm bảo được tính nguyên gốc dựa trên sự sáng tạo. Điều này có nghĩa khi nhìn vào tác phẩm phái sinh, người thưởng thức phải liên tưởng đến tác phẩm gốc. Pháp luật không bảo hộ cho nội dung của tác phẩm, do vậy sự liên tưởng này không làm mất đi tính nguyên gốc của tác phẩm phái sinh.
– Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm phái sinh được sáng tạo ra và được bảo hộ theo cơ chế bảo hộ tự động không cần đăng ký. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp hoặc phát sinh hành vi vi phạm, bản thân tác giả phải là người chứng minh về mặt nội dung của tác phẩm.
– Về hình thức thể hiện, tác phẩm phái sinh không phải là bản sao của tác phẩm gốc nên sự sáng tạo trong một tác phẩm phái sinh còn phụ thuộc vào việc lựa chọn tình tiết, từ ngữ,… Tác phẩm phái sinh là sáng tạo nguyên gốc hoặc sáng tạo một phần nội dung, hình thức. Trong nhiều trường hợp hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc.
– Để hiểu hơn về tác phẩm phái sinh là gì thì cần hiểu rõ tác phẩm phái sinh có thể được thể hiện dưới các dạng như:
+ Tác phẩm dịch: Là tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ khác dựa trên nội dung của tác phẩm gốc. Bản dịch này phải sát nghĩa và không diễn đạt sai ý của tác giả.
+ Tác phẩm phóng tác: Là tác phẩm phỏng theo nội dung của tác phẩm gốc nhưng có sự sáng tạo rõ rệt về nội dung, tư tưởng,… để làm cho nó trở thành một tác phẩm hoàn toàn mới, khác biệt so với tác phẩm gốc.
+ Tác phẩm cải biên: Đây là sửa đổi hoặc biên soạn lại một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi hình thức thể hiện dựa trên một phần hoặc toàn bộ Tác phẩm gốc để sáng tạo ra tác phẩm mới. Khi cải biên, người cải biên phải được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm gốc…
+ Tác phẩm biên soạn: Là tác phẩm được tạo ra trên cơ sở thu thập, chọn lọc từ nhiều tài liệu sau đó biên tập hoặc viết lại theo tiêu chí nhất định.
+ Tác phẩm chuyển thể: Tác phẩm này mang nội dung của tác phẩm gốc nhưng sang một hình thức thể hiện khác, ví đự như việc chuyển thể truyện thành phim, kịch,… mà không có sự thay đổi về cốt truyện hoặc nội dung cơ bản của tác phẩm gốc.
+ Tác phẩm chú giải: Là tác phẩm thể hiện quan điểm, cách nhìn; hoặc giải thích để làm rõ nội dung tác phẩm gốc.
+ Tác phẩm tuyển chọn: Là loại tác phẩm hình thành dựa trên sự tập hợp, chọn lọc, sắp xếp những tác phẩm đã tồn tại theo những yêu cầu nhất định.
Trên đây, Luật Hoàng Phi đã mang tới Quý khách hàng những thông tin cần thiết đối với chủ đề tác phẩm phái sinh là gì? Đây là một kiến thức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cần biết nếu Quý vị đang tìm hiểu trong mảng này. Để biết thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi.
The post Tác phẩm phái sinh là gì? appeared first on Luật Hoàng Phi.
source https://luathoangphi.vn/tac-pham-phai-sinh-la-gi/
Nhận xét
Đăng nhận xét