Ban thanh tra nhân dân là gì?
Thanh tra nhân dân là gì? Ban thanh tra nhân dân là gì? Tiêu chuẩn Ban thanh tra nhân dân? Luật Hoàng Phi chia sẻ tới Quý độc giả những thông tin hữu ích qua bài viết này. Mời Quý vị theo dõi nội dung bài viết.
Ban thanh tra nhân dân là gì?
Để hiểu Ban thanh tra nhân dân là gì? trước tiên cần nắm rõ thế nào là Thanh tra nhân dân. Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010, thanh tra nhân dân được định nghĩa như sau:
“ Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân thông qua Ban thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước”.
Từ định nghĩa trên có thể thấy, thanh tra nhân dân là một cơ chế giám sát của nhân dân đối với các hoạt động quản lý nhà nước ở cấp cơ sở, do đó thanh tra nhân dân không phải là cơ quan hành chính nhà nước như cơ quan thanh tra tỉnh, cơ quan thanh tra huyện, thanh tra sở, …
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12, và Điều 66 Luật Thanh tra năm 2010, Ban thanh tra nhân dân là một tổ chức, cụ thể:
“ Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo hoạt động.
Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo hoạt động”.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân
Theo quy định tại Điều 66 và Điêu 67 Luật Thanh tra năm 2010, Ban thanh tra nhân dân có các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể như sau:
Thứ nhất: Về nhiệm vụ
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước
Thứ hai: Về quyền hạn
– Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó;
– Khi cần thiết, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định;
– Kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua việc giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và người lao động, biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Ban thanh tra nhân dân gồm những ai?
Thứ nhất: Đối với Ban thanh tra nhân dân ở xã phường
Theo quy định tại Điều 68 Luật Thanh tra năm 2010 và Điều 6 Nghị định số 159/2016/NĐ/CP:
– Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố bầu;
– Căn cứ vào địa bàn và số lượng dân cư, mỗi Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 05 đến 11 thành viên, theo đó:
+ Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5 nghìn người thì được bầu 5 hoặc 7 thành viên; từ 5 nghìn người đến dưới 9 nghìn người thì được bầu 7 hoặc 9 thành viên; từ 9 nghìn người trở lên thì được bầu 9 hoặc 11 thành viên.
+ Đối với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 1 thành viên, nhưng số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân không quá 11 người.
– Thành viên Ban thanh tra nhân dân không phải là người đương nhiệm trong Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là 02 năm.
– Ban thanh tra nhân dân có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên. Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Phó Trưởng ban có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ. Các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.
Như vậy, một điểm lưu ý trong thành phần Ban thanh tra nhân dân đó là thành viên Ban thanh tra nhân dân không phải người đương nhiệm trong Ủy ban nhân dân cấp xã (tức là cán bộ, công chức cấp xã).
Thứ hai: Đối với Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước
Theo quy định tại Điều 72 và Điều 22 Nghị định số 159/2016/NĐ/CP:
– Ban thanh tra nhân dân có từ 03 đến 09 thành viên là người lao động hoặc đang công tác trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
– Nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân là 02 năm.
– Ban thanh tra nhân dân có Trưởng ban và các thành viên. Ban thanh tra nhân dân có từ 5 thành viên trở lên được bầu 1 Phó trưởng Ban, trong đó: Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Phó trưởng ban có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ. Các thành viên khác của Ban thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.
– Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức bầu ra. Ban thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước do Hội nghị người lao động bầu ra.
Tiêu chuẩn Ban thanh tra nhân dân
Theo Điều 3 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, tiêu chuẩn thành viên của Ban thanh tra nhân dân được quy định như sau:
– Thành viên Ban thanh tra nhân dân phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban thanh tra nhân dân.
– Thành viên Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước phải là người đang làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và không phải là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị này. Người được bầu làm thành viên Ban thanh tra nhân dân phải còn thời gian công tác ít nhất bằng thời gian của nhiệm kỳ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.
– Thành viên Ban thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn phải là người thường trú tại xã, phường, thị trấn và không phải là người đương nhiệm trong Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Như vậy, từ quy định trên có thể thấy giữa thanh tra viên làm việc ở cơ quan thanh tra với thanh tra nhân dân có những tiêu chuẩn khác nhau như: Thanh tra nhân dân không bắt buộc phải tốt nghiệp đại học, có kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức chuyên môn về chuyên ngành, có văn bằng hoặc chứng chỉ về nghiệp vụ thanh tra, … như thanh tra viên.
Phụ cấp cho Trưởng Ban Thanh tra nhân dân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 63/2017/TT-BTC, chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch công tác được duyệt hoặc trong hoạt động phối hợp với tổ chức thanh tra nhà nước khi thanh tra tại địa phương, đơn vị với mức chi 100.000 đồng/người/ngày.
Trên đây là một vài nội dung chúng tôi chia sẻ tới Quý độc giả liên quan đến Ban thanh tra nhân dân là gì? Quý độc giả có những đóng góp, chia sẻ về bài viết hãy liên hệ ngay tới chúng tôi qua số 1900 6557, trân trọng!
The post Ban thanh tra nhân dân là gì? appeared first on Luật Hoàng Phi.
source https://luathoangphi.vn/ban-thanh-tra-nhan-dan-la-gi/
Nhận xét
Đăng nhận xét