Phân biệt công chứng và chứng thực

Để Phân biệt công chứng và chứng thực chúng tôi sẽ giúp Khách hàng phân biệt dựa trên khái niệm, tính chất, thẩm quyền…

Trong giao dịch dân sự hoặc khi thực hiện hoạt động hành chính tư pháp hiện nay, nhiều người chúng ta vẫn thường nhầm lẫn giữa công chứng và chứng thực hay chứng thực bản sao với sao y bản chính là như thế nào? Hiểu rõ được những vướng mắc đó, hôm nay Luật Hoàng Phi mang đến nội dung bài viết mới, nhằm hỗ trợ Khách hàng phân biệt công chứng và chứng thực.

Hi vọng với những chia sẻ của chúng tôi, Khách hàng có hiểu rõ các quy định pháp lý cũng như nắm rõ được bản chất của việc công chứng và chứng thực.

So sánh điểm giống và khác nhau giữ công chứng và chứng thực

Công chứng và chứng thực đều là sự chứng nhận, hay xác nhận tính có thực của một hợp đồng, giao dịch nào đó, các bên tham gia hợp đồng, giao dịch đều có năng lực hành vi dân sự và các bên đã tự nguyện tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch.

Và để phân biệt công chứng và chứng thực chúng tôi sẽ phân biệt theo các tiêu chí cụ thể nhằm giúp Khách hàng thấy rõ những điều khác nhau:

1/ Khái niệm

– Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng:

+ Chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản

+ Chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt

–  Chứng thực là hoạt động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP, theo đó chứng thực gồm 03 hoạt động cơ bản đó là: chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2/ Thẩm quyền

– Công chứng thì do cơ quan bổ trợ tư pháp thực hiện:

+ Phòng công chứng (do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng).

+ Văn phòng công chứng (do 02 công chứng viên hợp danh trở lên thành lập theo loại hình tổ chức của công ty hợp danh, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác)

– Chứng thực:

+ Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

+ Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thể chứng thực

+ Cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có thể chứng thực

+ Công chứng viên

3/ Trách nhiệm của người thực hiện

– Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch được công chứng (chịu trách nhiệm về mặt nội dung); về toàn bộ hợp đồng, giao dịch được công chứng và họ phải chịu trách nhiệm cá nhân cả đời về việc mà họ đã công chứng.

– Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia. Không chịu trách nhiệm về nội dụng của hợp đồng, giao dịch được chứng thực (trừ trường hợp người thực hiện chứng thực biết rõ ràng là hợp đồng, giao dịch đó trái pháp luật).

4/ Thủ tục thực hiện

– Thủ tục công chứng quy định tại Điều 40, 41 của Luật Công chứng, được phân làm hai loại: hợp đồng, giao dịch do người yêu cầu công chứng tự soạn thảo và hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo, có các bước như sau:

Bước 1: Người yêu cầu công chứng lập một bộ hồ sơ, trong đó có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực

Bước 2: Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.

Bước 3: Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

Bước 4: Trả kết quả chứng thực, thu phí công chứng

– Thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch khá đơn giản qui định tại Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, có các bước như sau:

Bước 1: Xuất trình hồ sơ hợp lệ. Người yêu cầu chứng thực nộp 01 một bộ hồ sơ trong đó có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ. Người thực hiện chứng thực tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người yêu cầu chứng thực, nếu hợp lệ thì thực hiện chứng thực

 Bước 3: Thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực yêu cầu các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt mình, ghi lời chứng, ký tên đóng dấu

 Bước 4: Trả kết quả chứng thực, thu lệ phí chứng thực.

5/ Giá trị pháp lý

– Công chứng:

+ Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng

+ Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

+ Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

– Chứng thực:

+ Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

+ Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

+ Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Ví dụ về công chứng, chứng thực

Nhằm giúp Khách hàng hiểu rõ hơn về việc Phân biệt công chứng và chứng thực, chúng tôi sẽ đưa đưa ra ví dụ cụ thể:

A và B đi đến văn phòng công chứng C để yêu cầu công chứng thực hiện soạn thảo và công chứng hợp đồng mua bán xe máy. Công chứng viên sẽ tiến hành kiểm tra giấy tờ: nhân thân của A, B; giấy tờ về chủ sở hữu chiếc xe. Từ đó soạn ra hợp đồng mua bán phù hợp với quy định pháp luật và theo yêu cầu của A và B, đưa cho A và B ký trước mặt mình.

Cuối cùng chứng nhận vào trong hợp đồng mua bán. Như vậy, rõ ràng việc công chứng hợp đồng mua bán xe thì công chứng viên phải đảm bảo tính pháp lý của giao dịch, đảm bảo nội dung hợp đồng mua bán, đảm bảo việc giao dịch thực hiện trước sự chứng kiến của mình.

Tương tự, như vậy với trường hợp A và B ra ủy ban nhân dân để thực hiện chứng thực hợp đồng mua bán thì A, B phải tự chuẩn bị dự thảo hợp đồng mua bán

Chủ thể có thẩm quyền sẽ kiểm tra giấy tờ nhân thân của A,B và làm chứng cho việc A và B đã ký vào hợp đồng mua bán, thời gian và địa điểm giao dịch. Họ không chịu trách nhiệm về mặt nội dung giao dịch.

Như vậy hoạt động công chứng và chứng thực là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau, pháp luật không quy định việc công chứng hay chứng thực có giá trị pháp lý cao hơn. Tuy nhiên có thể thấy việc công chứng ràng buộc trách nhiệm cao hơn chứng thực.

The post Phân biệt công chứng và chứng thực appeared first on Luật Hoàng Phi.



source https://luathoangphi.vn/phan-biet-cong-chung-va-chung-thuc/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Số 1 có phải là số nguyên tố không?

Số hữu tỉ là gì? Số vô tỉ là gì?

Số thực là gì? Số thực là những số nào?