Khấu trừ là gì?
Trong đời sống thường nhật ta vẫn thường nghe đến từ “khấu trừ”. Pháp luật cũng có nhiều quy định liên quan đến khấu trừ. Tuy nhiên, chưa có một định nghĩa rõ ràng nào để giải thích cụ thể khấu trừ là gì? Vậy, hãy cùng Luật Hoàng Phi tìm hiểu cụ thể qua nội dung bài viết dưới đây.
Khấu trừ là gì?
Khấu trừ là một từ Hán Việt gồm 2 tiếng có nghĩa gần giống nhau, tách từng tiếng ra để phân tích thì “khấu” có nghĩa là bớt lại, giữ lại cái khác để bù cho cái này, còn “trừ” có nghĩa là một phép tính giữa ít nhất hai số, có thể hiểu một cách đơn thuần là bớt đi, giảm đi.
Như vậy, có thể hiểu “khấu trừ” là động từ mang tính chủ động, có nghĩa là bớt lại phần được hưởng để bù trừ cho nghĩa vụ phải thực hiện.
Trong đời sống xã hội, thuật ngữ “khấu trừ” thường được sử dụng trong các bối cảnh liên quan đến tiền bạc. Mục đích của việc này là buộc người có nghĩa vụ thanh toán phải thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng là thực hiện một cách gián tiếp, tạo thế chủ động cho người được thanh toán.
Trong quá trình thực hiện quyền lực của mình Nhà nước cũng sử dụng thuật ngữ “khấu trừ” để điều chỉnh một số quan hệ pháp luật. Điều này được thể hiện qua một số chế định, như: trong pháp luật lao động hay trong pháp luật thuế.
Một số quy định của pháp luật liên quan đến khấu trừ
Liên quan đến “Khấu trừ là gì?”, chúng tôi sẽ đưa ra một số quy định pháp luật về khấu trừ.
– Quy định về “Khấu trừ tiền lương” trong quy định của Bộ luật Lao động:
“ Điều 101. Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này […]”.
Có thể hiểu “khấu trừ tiền lương” trong quy định trích dẫn trên đây là việc người lao động bớt lại từ tiền lương mà đáng ra người lao động được hưởng để bù trừ cho nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người lao động do có lỗi trong việc làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động.
Sở dĩ người lao động có khả năng giữ lại phần lương này là vì họ là người giữ tiền lương và thực hiện việc chi trả tiền lương cho người lao động còn người lao động lại có nghĩa vụ phải thanh toán cho người sử dụng lao động số tiền này nhưng chưa thanh toán.
Để tạo thế chủ động cho người có quyền trong trường hợp này là người sử dụng lao động, nhà làm luật cho phép người sử dụng lao động được bớt lại tiền lương trước khi chi trả cho người lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, việc khấu trừ này cũng chỉ được thực hiện trong phạm vi luật định để đảm bảo người lao động vẫn có thu nhập, ổn định đời sống, tiếp tục làm việc.
– Quy định về “khấu trừ thuế” trong các quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng (Thuế GTGT), Luật Thuế Thu nhập cá nhân (Thuế TNCN) và các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Như chúng ta đã biết, Thuế là khoản nộp bắt buộc của các cá nhân, pháp nhân phải nộp cho Nhà nước. Hiện nay, Nhà nước áp dụng phương pháp khấu trừ thuế đối với thuế TNCN và thuế GTGT. Đây là 02 loại thuế khá nhạy cảm, nếu thu trực tiếp sẽ tạo áp lực lớn cho người chịu thuế.
Luật TNCN quy định việc doanh nghiệp khấu trừ thu nhập của người lao động được hưởng trong mức mà pháp luật quy định để đóng thuế TNCN cho người lao động. Đúng ra, người lao động phải tự nộp nhưng Nhà nước quy định cho doanh nghiệp trách nhiệm khấu trừ hay thu hộ và thay người lao động nộp khoản tiền này vào Ngân sách Nhà nước. Làm như vậy, một là đảm bảo tính ổn định trong việc thu thuế của Nhà nước; hai là để giảm bớt áp lực cho người lao động về việc phải nộp thuế tính trên thu nhập của mình khi mức thu nhập này đạt đến một mức độ nhất định.
Chẳng hạn: trường hợp cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng mà có tổng thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì người sử dụng lao động khấu trừ 10%thu nhập để nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Khấu trừ là một trong những phương pháp tính thuế trong Luật Thuế GTGT được quy định tại Điều 9 Luật Thuế GTGT năm 2008.
Điều 10 Luật Thuế GTGT năm 2008 được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 có quy định về Khấu trừ thuế GTGT như sau:
“ Điều 10. Phương pháp khấu trừ thuế
1. Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
a) Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ;[…]”.
Thuế GTGT là loại thuế gián thu tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thực chất người chịu thuế là người cuối cùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bị đánh thuế.
Đối với các nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ, Nhà nước cho phép khấu trừ thuế đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
Để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước cho phép lấy số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng trừ đi số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu của người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Như vậy,khấu trừ trong trường hợp này vẫn là việc dùng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đã cung ứng trên thị trường để bù trừ cho phần thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp đã phải chịu khi mua hàng hóa, dịch vụ trong kỳ tính thuế, sau khi khấu trừ mà còn dư thì doanh nghiệp sẽ được xem xét để hoàn lại thuế theo quy định pháp luật.
Từ các phân tích nêu trên có thể thấy, khấu trừ là việc bớt lại lợi ích được hưởng để bù trừ cho phần nghĩa vụ mà phải thực hiện.
Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về cách hiểu khấu trừ là gì cùng một số quy định của pháp luật có sử dụng thuật ngữ này. Đối với các quy định cụ thể liên quan đến khấu trừ tiền lương, khấu trừ Thuế Giá trị gia tăng, khấu trừ Thuế Thu nhập cá nhân sẽ được truyền tải trong nội dung bài viết khác.
Quý vị tham khảo nội dung bài viết “Khấu trừ là gì?” có điều gì chưa rõ xin vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn 1900 6557 để được giải đáp nhanh chóng nhất.
Trân trọng cảm ơn!
The post Khấu trừ là gì? appeared first on Luật Hoàng Phi.
source https://luathoangphi.vn/khau-tru-la-gi-2/
Nhận xét
Đăng nhận xét